Lâm triều xưng chế Đặng_hoàng_hậu_(Hán_Hòa_Đế)

Thời Hán Thương Đế

Năm Nguyên Hưng nguyên niên (105), Hán Hòa Đế qua đời khi mới 27 tuổi. Việc lựa chọn người kế vị do Đặng hoàng hậu quyết định. Khi mất, Hòa Đế còn hai con trai. Con lớn là Lưu Thắng và con nhỏ là Lưu Long, đều là con của các cung nhân. Nhưng Lưu Thắng lên 8 tuổi bị tật nguyền, Lưu Long thì mới 100 ngày tuổi đang gửi nuôi ở ngoài. Đặng hậu vội sai người đón Lưu Long về lập lên ngôi, tức là Hán Thương Đế. Bà phong cho Lưu Thắng làm Bình Nguyên vương (平原王), còn mình trở thành Hoàng thái hậu, lâm triều tiến hành nhiếp chính[13].

Khi ấy, các cung nhân của Hán Hòa Đế là phải ra khỏi cung đến lăng viên cung phụng Tiên Đế[14]. Đặng Thái hậu thương tiếc các phi tần là Chu thị cùng Phùng thị, bèn ban chiếu thư viết:

朕与贵人托配后庭,共欢等列,十有余 年。不获福祐,先帝早弃天下,孤心茕茕,靡所瞻仰,夙夜永怀,感怆发中。今当以旧典分归外园,惨结增叹,燕燕之诗,曷能喻焉?其赐贵人王青盖车,采饰 辂,骖马各一驷,黄金三十斤,杂帛三千匹,白越四千端。

.

Ta cùng với chúng Quý nhân hầu cận Tiên Đế tại hậu đình, cùng hưởng thụ sung sướng hơn 10 năm. Tiếc thay Tiên Đế sớm ngự long thăng thiên, cô đơn cô độc, mất đi nơi dựa vào, ngày đêm bi thương, hiện hẳn là chiếu theo lệ cũ lui về ngoại viên, thảm kết tăng thán. Trước kia Trang Khương của nước Vệ đưa bài thơ "Yến yến", khóc lóc thảm thiết, nay cũng không thể tả được cảnh đau thương này.

Nay ta ban cho Quý nhân một xe vương thanh, thải sức lộ, tham mã mỗi thứ bốn con ngựa; hoàng kim 30 cân, 3.000 thất tạp bạch, 4.000 đoạn bạch việt.

— Đặng Thái hậu ban chiếu

Đặng Thái hậu giữ quyền chấp chính, ra chiếu thư xưng "Trẫm" (朕), được quần thần xưng "Quyền tá trợ thính chính" (權佐助聽政), thực tế nắm quyền hành tối cao của nhà Hán lúc bấy giờ. Để nắm vững quyền hành, bà bắt đầu dùng ngoại thích, phong cho anh là Đặng Chất làm Xa kỵ tướng quân (車騎將軍), kiêm "Nghi đồng Tam tư" (儀同三司)[15][16], các em trong họ Đặng cũng được phong Liệt hầu; mẹ Đặng Thái hậu là Âm phu nhân được phong tước Tân Dã quân (新野君), thực ấp 10.000 hộ[17]. Đồng thời, Đặng Thái hậu còn trọng dụng các hoạn quan của Hòa Đế là Thái Luân. Bà còn tin dùng Ban Chiêu, một nữ sử gia uyên bác về học thức và đức độ, cũng là em gái của nhà sử học Ban Cố.

Trong thời gian điều hành triều chính, Đặng Thái hậu chú ý đến việc sử dụng tư hình, đặc biệt là khâu thẩm vấn các bản án của người trong cung. Có người được Hòa Đế sủng ái là Cát Thành bị vu oan, vì thế triều đình hạ lệnh Dịch đình ngục khảo vấn, khẩu cung từ bản tường trình minh bạch không lầm. Thế nhưng Đặng Thái hậu cảm thấy Cát Thành được Hòa Đế sủng ái nhưng hằng ngày đều khiêm nhường biết lễ, bèn đích thân tự điều tra kĩ càng, quả nhiên phát hiện Cát Thành bị oan uổng. Trong cung không có ai không thán phục, suy tôn Đặng Thái hậu thánh minh anh triết[18].

Về phương diện khác, Đặng Thái hậu không tin quỷ thần, nên hay bãi bỏ những tục lệ tế tự không cần thiết mà lại tốn kém. Bà lại chiếu lệnh đặc xá những người phạm tội vĩnh viễn không được xuất sĩ của hai nhà Mã, Đậu và những người bị vu oan bởi các thuật quỷ thần từ thời Kiến Vũ Hán Quang Vũ Đế. Những chức quan cúng tế, cần quá nhiều tiền cũng bị lược bỏ, trừ đi dần dần đã tiết kiệm hơn mấy nghìn vạn lượng. Quận quốc cống nạp vật phẩm, Đặng Thái hậu cũng lệnh đều giảm đi hơn phân nửa. Nô dịch ở Thượng Lâm uyển đều phóng thích, Họa sư cung đình giảm đi hơn 30 người; các nơi Ngự phủ, Thượng phương, Chức thất cẩm tú, Băng hoàn, Khỉ du, Kim ngân, Châu ngọc, Tê tượng, Vương độc mạo chuyên sản xuất các đồ quý giá phục vụ thú vui trong hoàng cung đều bị đình chỉ không làm. Lại chiếu lệnh các vị Quý nhân, Cung nhân của tiên triều ở tại các lăng viên có thành viên tông tộc tuổi già sức yếu, không thể làm việc được nữa thì lập tức báo danh sách cho Viên giám, tự đến Bắc Cung chờ quan sát, sau đó thực hiện miễn trừ, được hơn 600 người[19][20].

Hán Thương Đế chỉ ở ngôi được 8 tháng đã qua đời. Chỉ còn lại Bình Nguyên vương Lưu Thắng là con duy nhất của Hán Hòa Đế, nhưng Đặng Thái hậu e ngại vì trước đây bà đã không lập Thắng, nếu lúc đó lại lập có thể sau này Thắng sẽ trả thù bà, vì vậy bà cùng Đặng Chất quyết định lập người khác trong hoàng tộc là Lưu Hỗ - con của Thanh Hà Hiếu vương Lưu Khánh con trưởng của Hán Chương Đế và là anh ruột của Hán Hòa Đế – lúc đó mới 12 tuổi lên ngôi, tức là Hán An Đế[21]. Bà tiếp tục nắm quyền điều hành. Do liên tiếp Hòa, Thương nhị Đế đại tang, dân mỏi quân mệt, Đặng Thái hậu giảm rất nhiều nghi lễ của Thương Đế, chỉ bằng 1 phần 10 theo thường lệ[22].

Thời Hán An Đế

Khi Hán An Đế vừa được lập, Đặng Thái hậu lâm triều ban chiếu, việc bà làm đầu tiên là chấn chỉnh ngoại thích họ Đặng. Bà cử với Tư lệ Giáo úy, Hà Nam doãn, Nam Dương Thái thú nhận chỉ rằng:

每览前代外戚宾客,假借威权,轻薄,至有浊乱奉公,为人患苦。咎在执法怠懈,不辄行其罚故也。 今车骑将军骘等虽怀敬顺之志,而宗门广大,姻戚不少,宾客奸猾,多干禁宪。其明加检敕,勿相容护。

.

Ta thường nhìn đến khách khứa ngoại thích, quyền uy ngang với hoàng thất, khinh bạc phù phiếm, cứ thế đục loạn làm theo việc công, làm hại dân tâm. Tất xấu của họ đều ở chỗ lười biếng lêu lỏng, không tuân thủ pháp độ.

Nay Xa Kỵ Tướng quân Đặng Chất, tuy lòng dạ kính thuận phụng mệnh, nhưng người trong tông tộc lũy thoái suy đồi, môn khách trong phủ gian trá giảo hoạt, đa số đều từng phạm vào hiến chương của quốc triều. Ta mệnh nên nghiêm túc kiểm tra và chỉnh đốn, tuyệt không được ung dung che chở.

— Đặng Thái hậu chiếu lệnh

Từ đây, ngoại thích họ Đặng không có đặc quyền gì được đại xá cả, Đặng Thái hậu nghiêm khắc răng dạy tông thân, không ai dám trái. Anh trai bà là Đặng Chất, được bái "Xa Kỵ tướng quân" đứng đầu triều đình, theo công lao đáng lẽ nên có tước Liệt hầu, Đặng Thái hậu định phong làm Thượng Thái hầu (上蔡侯), thực ấp từ 10.000 hộ lại tăng thêm 3.000 hộ nữa, Đặng Chất khiêm tốn mà chối từ mãi, đến nỗi Đặng Thái hậu giận ông ra mặt. Vì sợ em gái cả giận, Đặng Chất tự mình vào cung trình bày, mãi sau thì Đặng Thái hậu mới chấp nhận không phong tước cho ông nữa[23]. Bên cạnh đó, bà cũng cảm khái Âm hậu bị phế năm xưa, nhân Âm hậu đã qua đời, bèn ban đặc xá cho người họ Âm trở về, trả lại của cải[24]. Đại thần Tư không Chu Chương (周章), vì muốn lập Bình Nguyên vương nên không bằng với việc điều hành của họ Đặng, bèn am mưu làm chính biến, bắt Đặng Chất cùng Trịnh Chúng rồi sẽ bắt Đặng Thái hậu. Nhưng việc đó bị phát hiện, Chương phải tự sát[25].

Năm Vĩnh Sơ nguyên niên (107), người Khương nổi dậy, dân tộc này vốn bị chính quyền nhà Hán áp bức từ nhiều thập niên. Cuộc nổi dậy có quy mô lớn, lan ra các vùng đất bây giờ là Thiểm Tây, Cam Túc và phía Bắc Tứ Xuyên và quân lính của người Khương cũng bất ngờ tấn cong vào Sơn Tây, áp sát kinh đô Lạc Dương. Đặng Thái hậu lệnh Xa Kỵ tướng quân Đặng Chất đánh dẹp, đích thân cùng Hán An Đế đưa tiễn tại Bình Lạc quan[26]. Cuộc nổi loạn kéo dài đến tận năm 118, khiến cho phía Tây đế quốc trở nên tàn mạt vì chiến tranh, nhưng Đặng Chất đã khải hoàn trở về, dẹp yên sự việc[27][28][29]. Cũng trong thời gian này, hạn hán, thiên tai xảy ra khắp nơi. Đặng Thái hậu thân đến Lạc Dương quan xá, xem kỹ ký lục có tình huống oan khuất nào không. Có một tù nhân thật sự không có giết người nhưng bị định tội, Đặng Thái hậu trực tiếp triệu đến xem xét, truy vấn ra được oan tình nên bà đã bắt quan lại ngục Lạc Dương phải đền tội. Kịp khi sự việc kết thúc thì trời đổ mưa[30]. Năm Vĩnh Sơ thứ 3 (109), Nam Hung Nô nhận thấy nhà Đông Hán sau bạo loạn của người Khương sẽ trở nên suy yếu, bèn đem quân đến biên giới quấy nhiễu. Đặng Thái hậu ra lệnh tăng cường binh mã, người ngựa đều hùng dũng khiến Hung Nô khiếp sợ, bèn triều cống như cũ, từ đấy về sau Nam Hung Nô không còn dòm ngó đến biên cương nhà Hán nữa.

Sự ức chế ngoại thích của Đặng Thái hậu được anh trai Đặng Chất kế thừa. Đặng Chất thân là Xa Kỵ tướng quân, quyền khuynh thiên hạ, sau khi bình định người Khương, danh tiếng đã nổi khắp cả nước, thế nhưng ông bản tính thuần hậu và khiêm tốn, rất được em gái Đặng Thái hậu nể trọng. Khi Hán An Đế kế vị, nhiều lần phát sinh đạo tặc cùng phản loạn, Đặng Chất chủ trương chính sách của Đặng Thái hậu, thực hiện tiết kiệm, còn tiến cử những hiền thần như Hà Chiếu (何熙), Lý Hợp (李郃), Dương Chấn (杨震), Trần Thiền (陈禅) để quản lý quốc chính, vì thế thiên hạ lại lần nữa yên ổn, Đặng Chất rất được dân chúng yêu kính[31][32].

Năm Vĩnh Sơ thứ 4 (110), Tân Dã quân Âm phu nhân, mẹ của Đặng Thái hậu qua đời, các anh trai của bà tạm thời dừng chức để tang 3 năm. Dưới sự gợi ý của Nữ quan Ban Chiêu, bà tán thành và khi hết hạn mãn tang, bà trao cho họ nhiều chức vụ vô thực để duy trì ngoại thích họ Đặng. Thế nhưng Đặng Chất cùng người họ Đặng kiên quyết từ chối, Đặng Thái hậu khuyên cũng không được, bèn nghĩ cách không phong chức tước cao nhưng vẫn tham dự được chính sự, bà cho họ chức vụ gọi là "Phụng triều thỉnh" (奉朝请), địa vị dưới Tam công mà trên Liệt hầu, mỗi lần có quốc gia đại sự, liền dẫn đầu bá quan, cùng Tam công và Cửu khanh tham nghị chính sự[33][34]. Trong thời gian nhiếp chính, Đặng Thái hậu rất chú trọng việc học hành, cùng theo học sử sách với Ban Chiêu, xuất thân từ gia tộc có truyền thống chuộng thi sách. Bà coi Ban Chiêu như thầy, học thêm cả thiên văn, số học. Bà còn mời những người tài giỏi vào cung chỉnh lý kinh sách và dạy các cung nữ. Bà được đánh giá là người đã làm hưng thịnh phái Kinh học[35][36].

Không hoàn chính

Khi Hán An Đế lên ngôi đã 12 tuổi. Thời gian nhiếp chính của một Hoàng thái hậu thường tối đa là 10 năm, khi Hoàng đế trưởng thành sẽ phải lui về hậu cung, trả lại chính sự cho Hoàng đế. Thế nhưng khi Hán An Đế đến tuổi trưởng thành, Đặng Thái hậu vẫn không có hành động sẽ hoàn chính.

Thời Đặng Thái hậu nhiếp chính có hiệu quả rất lớn đối với chính quyền Đông Hán, điều này ai cũng biết và công nhận, nhưng Hán An Đế vẫn là Hoàng đế chính danh, vào lúc Hoàng đế đã trưởng thành mà Thái hậu vẫn không hoàn chính đã dấy lên nhiều ý kiến bất bình. Có đại thần Lang trung Đỗ Căn, thấy Hán An Đế đã trưởng thành mà Đặng Thái hậu vẫn còn chưa hoàn chính, nên đã cùng một số người đồng suy nghĩ dâng thư khuyên bà trả quyền bính cho Hoàng đế. Đặng Thái hậu giận lắm, bèn ra lệnh trùm đám người Đỗ Căn, sai quân lính đánh cho đến chết trước cửa điện[37].

Việc Đặng Thái hậu lâm triều nhiều năm mà không hoàn chính, cũng khiến cho bản thân người họ Đặng sợ hãi. Có người trong tộc Thái hậu là Đặng Khang (邓康), vì duyên cớ này mà thường thác bệnh không vào triều. Thái hậu cho quan tỳ đến hỏi rõ chuyện. Lúc ấy trong cung tỳ nữ ra vào, nhiều lời thị phi, trong đó những người từ nhỏ ở trong cung đều được gọi là [Trung đại nhân; 中大人]. Người Đặng Thái hậu phái đến vốn trước kia từng là tỳ nữ trong phủ Đặng Khang, khi đến gặp thì tự gọi là Trung đại nhân, Đặng Khang quát mắng:"Ngươi là từ trong phủ của ta mới vào cung, sao dám tự xưng như vậy?!". Tỳ nữ tức giận, về cung liền đặt điều nói xấu Đặng Khang với Đặng Thái hậu, gặp khi Thái hậu rất nghiêm khắc với người trong tộc, bèn bãi đi chức quan của Đặng Khang, còn loại ông ta ra khỏi tông tịch[38].